Cứ mỗi năm khi tháng 11 ùa về trong không khí hân hoan của cả nước hướng về ngày nhà giáo Việt nam 20/11, ngày mà cả xã hội với tấm lòng trân trọng tôn vinh công lao cao cả đối với nhà giáo, mỗi người chúng ta lại có những suy nghĩ, những hoài niệm về thầy cô kính mến của mình với tấm lòng biết ơn sâu đậm và niềm tôn kính vô hạn. Tháng 11 năm nay còn là mùa chia tay của tất cả thầy và trò Trường THCS Lê Hồng Phong với 2 cô giáo thân yêu.
“Tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vốn là đạo lý tốt đẹp trong truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Trân trọng quá khứ, ghi nhận công lao của lớp người đi trước là yếu tố quan trọng để tạo lập nên những giá trị tinh thần bền vững cho tương lai. Từ ý nghĩa sâu xa đó, Trường THCS Lê Hồng Phong phối hợp với Công đoàn Nhà trường đã tổ chức chia tay và cũng là ghi nhận công lao của cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Như (giáo viên dạy Lịch sử) và cô Nguyễn Thị Kim Oanh (giáo viên dạy Toán) về nghỉ hưu theo chế độ, sau khi đã cống hiến cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp trồng người, đặc biệt là cho ngôi trường THCS Lê Hồng Phong thân yêu của chúng ta.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh trải qua hơn 35 năm công tác dù ở vị trí nào, cô cũng làm việc với tất cả tâm sức và trách nhiệm của mình. Cô đã gắn bó khăng khít với nhiều thế hệ giáo viên và học sinh nhà trường, chính vì vậy nên đến giờ phút phải chia tay cô, ai ai cũng bùi ngùi xúc động, nuối tiếc… Trong quá trình công tác, cô luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Cô Nguyễn Thị Kim Oanh (áo xanh)
Cũng như Cô Nguyễn Thị Kim Oanh, Cô Nguyễn Thị Cẩm Như là một giáo viên trụ cột của tổ “Sử-Địa-GDCD” của Trường. Cả một đời hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, cô cũng đã đạt được rất nhiều thành tích trong công tác chuyên môn, công tác chủ nhiệm nhưng có lẽ điều để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng tất cả chúng ta, là ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết của cô trong lĩnh vực chuyên môn, truyền đạt niềm yêu thích và đam mê học Sử tới các em học sinh. Với kinh nghiệm cũng như tình yêu nghề, cô luôn đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với điều kiện của nhà trường để “thổi hồn” vào mỗi bài giảng. Qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức của học sinh về môn học, giúp các em hiểu biết được lịch sử hào hùng của dân tộc.
Cô Nguyễn Thị Cẩm Như
Xin được trích lại nguyên văn một đoạn trong bài viết về cô Nguyễn Thị Cẩm Như của bạn Trần Lan Tường (lớp 9A11) – bài viết đạt giải Nhất cấp Trường trong cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô, mái trường thân yêu” để thay lời cảm ơn tới 2 cô:
“Dường như tôi đã không cảm nhận được giá trị của sử học, tôi chỉ coi nó là một môn học bài, học cho có điểm qua môn là xong, những gì người giáo viên sử thường làm chính là bước lên bục giảng, nói đúng vào bài học, đặt ra những câu hỏi có sẵn đáp án trong sách sử, học sinh căn cứ vào đó mà trả lời, không cần tư duy cũng chẳng phải suy nghĩ rườm rà , phức tạp. Nhưng cô Như đã thay đổi ý nghĩ đó của tôi, trong suốt bài giảng, cô không đơn thuần chỉ bám vào sách giáo khoa, cô còn mở rộng thêm kiến thức, đặt ra những câu hỏi bắt buộc chúng tôi phải tư duy, phải suy nghĩ. Chính vì thế trong suốt tiết học sử của cô, tôi như hoàn toàn chìm đắm vào thế giới sử học, thế giới với những cảm xúc hoàn toàn mới lạ mà tôi chưa bao giờ có với môn Sử. Chính nhờ cô mà sự chán ghét môn Sử của tôi dường như được dập tắt, thay vào đó cô gieo rắc chút tình yêu, niềm đam mê của một giáo viên dạy sử vào tâm hồn của chúng tôi-những người trẻ tuổi sống trong thời kỳ hội nhập với những niềm đam mê tươi mới cùng“ngọn lửa” nhiệt huyết của tuổi thanh thiếu niên. Vốn dĩ khiến môn lịch sử trở nên thú vị đã khó, để thay đổi được lối suy nghĩ khô khan của những người học đối với môn học này lại càng khó hơn. Nhưng cô đã làm được và hoàn toàn chinh phục trái tim của tập thể 39 học sinh lớp tôi. Chính điều đó đã khiến chúng tôi có hứng thú hơn và nhận ra giá trị của bộ môn lịch sử”
Có thể nói rằng, cuộc đời dạy học của cô Nguyễn Thị Kim Oanh và cô Nguyễn Thị Cẩm Như là tấm gương sáng cho các em học sinh noi theo. Hai cô đã chọn cho mình công việc của một “người lái đò thầm lặng”, vì một mục tiêu cao cả và duy nhất đó là “tất cả vì học sinh thân yêu”.
Trong cuộc sống và trong công tác, các cô là những người luôn chân tình, cởi mở, chan hòa với đồng nghiệp. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào các thầy cũng phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Từ những năm đầu tiên vào nghề cho đến hôm nay, lòng nhiệt huyết của các cô luôn “cháy” mãi trên từng trang giáo án, với đàn em thân yêu và với đồng nghiệp của trường. Tất cả những tình cảm đó, đóng góp đó chúng ta luôn ghi nhận và chân thành cảm ơn tâm huyết của các cô với sự nghiệp “trồng người”.
Và hôm nay, trước khi chính thức nói lời chia tay với sự nghiệp trồng người, chia tay với mái Trường THCS Lê Hồng Phong thân yêu, với đồng nghiệp, với học sinh. Các cô hoàn toàn có quyền tự hào về những đóng góp mà mình đã để lại cho nhà trường, cho các thế hệ học sinh, trong tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp.
Chia tay với các cô, chúng ta- những người ở lại sẽ tiếp nối sự nghiệp trồng người mà Đảng và Nhà nước đã giao phó. Không thể nói hết được tình cảm của mình bằng lời, chỉ mong rằng các cô mãi là đồng nghiệp, là những bậc tiền bối chia sẻ với chúng ta những niềm vui, nổi buồn, những kinh nghiệm quý báu để chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Có lẽ đó chính là niềm hạnh phúc nhất của người ở lại!
Xin được thay mặt Lãnh đạo Nhà trường, Hội đồng Sư phạm nhà trường và các em học sinh, được gửi tới các cô lời cảm ơn chân thành nhất. Mong các cô sẽ luôn có nhiều sức khỏe để những tháng ngày sắp tới có một cuộc sống thật an yên, hạnh phúc với gia đình và con cháu!